Trọng kính Cộng đồng Dân Chúa,
Thiên Chúa tin tưởng vào con người hơn là con người tin tưởng vào Thiên Chúa,
hay đúng hơn là để con người tin vào Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra cho họ
Căn cứ vào chiều hướng chung của Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay, Chúa Nhật XXI Thường Niên Năm A, có thể nói nội dung của Phụng Vụ Lời Chúa đó là việc Thiên Chúa tin tưởng vào con người hơn là con người tin tưởng vào Thiên Chúa, hay đúng hơn là để con người tin vào Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra cho họ. Đó là cả một huyền nhiệm. Đáng lẽ, theo tự nhiên, kẻ yếu và khờ phải tin tưởng vào một vị nào mạnh hơn mình và khôn hơn mình. Nhưng đằng này kẻ yếu và khờ lại được vị mạnh hơn và khôn hơn tin tưởng. Đó là lý do Vị Tông Đồ Dân Ngoại trong Thư gửi Rôma của mình ở Bài Đọc 2 đã phải than lên rằng:
"Ôi thẳm sâu thay sự giàu có, thượng trí và thông biết của Thiên Chúa: sự phán quyết của Người làm sao hiểu được, và đường lối của Người làm sao dò được! Vì chưng, nào ai biết được ý Chúa? Hoặc ai đã làm cố vấn cho Người? Hay ai đã cho Người trước để Người sẽ trả lại sau? Vì mọi sự đều do Người, nhờ Người và trong Người: nguyện Người được vinh quang đến muôn đời. Amen".
Ở Bài Đọc 1 hôm nay trích Sách Tiên Tri Isaia cũng thế, chính Thiên Chúa là Đấng đã tuyển chọn một nhân vật mà cũng chính Ngài sau đó lại đích thân ra tay truất phế: "Ðây Chúa phán cùng Sobna, quan cai đền thờ rằng: 'Ta sẽ trục xuất ngươi ra khỏi địa vị ngươi, và Ta sẽ cách chức ngươi'". Vậy thì chẳng lẽ Ngài đã chọn sai người hay sao? Trước khi "sai lầm" chọn nhân vật này chẳng lẽ Ngài không biết trước rằng sau đó chính nhân vật ấy sẽ bị Ngài loại trừ hay sao? Vậy thì tại sao Ngài không chọn ngay nhân vật sau nhân vật ấy đi chứ, như Ngài đã báo trước cho nhân vật bị Ngài truất phế:
"Ta sẽ gọi đầy tớ Ta là Êliaqim, con trai Helcia. Ta sẽ lấy áo choàng của ngươi mà mặc cho nó, lấy đai lưng của ngươi mà thắt cho nó, sẽ trao quyền ngươi vào tay nó, nó sẽ nên như cha các người cư ngụ ở Giêrusalem và nhà Giuđa. Ta sẽ để chìa khoá nhà Ðavít trên vai nó: nó sẽ mở cửa và không ai đóng lại được; nó đóng cửa lại và không ai mở ra được. Ta sẽ đóng nó vào nơi kiên cố như đóng đinh, và nó sẽ trở nên ngai vinh quang nhà cha nó".
Thật ra, theo quyền hạn tuyệt đối của mình trên tất cả mọi tạo vật, Thiên Chúa muốn làm gì thì làm, với một mục đích duy nhất đó là làm sao để Ngài có thể tỏ mình ra cho nhân loại nói chung và cho những ai được Ngài tuyển chọn nói riêng, nhờ đó họ tin vào Ngài mà được sống. Bởi thế, cho dù Ngài có tuyển chọn ai rồi sau đó loại trừ họ cũng chỉ là cách để họ nhờ đó nhận thức được vai trò chủ tể tối thượng của Ngài trong lịch sử loài người, chứ không phải họ muốn làm gì thì làm. Ngài không thể để cho bất cứ một con người nào hủy hoại công cuộc của Ngài, làm hư hại dự án của Ngài. Đó là lý do câu họa của Bài Đáp Ca hôm nay mới nguyện xin cùng Ngài rằng: "Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời, xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Chúa".
Vẫn biết ai được Ngài chọn thay thế cho kẻ bị Ngài truất phế cũng chẳng hơn gì nhau, bởi họ cũng chỉ là loài người yếu hèn lại dại khờ như ai, với đầy những bất toàn và khiếm khuyết, nhiều khi về tự nhiên lại còn bất tài và vụng về hơn cả nhân vật tiền nhiệm của họ. Thế nhưng, Thiên Chúa vẫn tiếp tục tin tưởng vào thụ tạo của Ngài, vì nhờ đó Ngài mới có dịp tỏ ra bản tính toàn thiện của Ngài nơi những gì Ngài làm đầy khôn ngoan và quyền năng. Nhất là Ngài tin tưởng vào thành phần khiêm hạ, biết mình và tin tưởng vào Ngài, như câu xướng 3 của Bài Đáp Ca hôm nay chân nhận: "Quả thực Chúa cao cả và thường nhìn kẻ khiêm cung, còn người kiêu ngạo thì Ngài ngó tự đàng xa".
Trong Bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã thấy trước và biết trước hơn ai hết và hơn bao giờ hết con người được Người tuyển chọn để "trao cho con chìa khoá nước trời: sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở". Đến độ, quả thực ngay sau đó Người đã phải thậm tệ lên tiếng quở trách nhân vật ấy như sau: "Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người".
Tại sao Chúa Giêsu lại tuyển chọn một con người mà chính Người đã biết trước một cách đích xác là vừa ngớ ngẩn về lãnh vực thiêng liêng: "con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa", hoàn toàn chiều theo tinh thần trần tục: "mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người", nên đãtác hành và phản ứng chẳng khác nào như một tên phản kitô theo tinh thần của satan: "Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cho Thầy vấp phạm"?
Theo nguyên tắc Thiên Chúa mới là chủ tể mọi sự và con người chỉ là phương tiện được Ngài sử dụng, và theo đường lối Thiên Chúa muốn tỏ mình ra nơi công cuộc của Ngài để ai tin vào Ngài thì được sống, nhất là những ai nhận biết mình yếu hèn và khờ dại mà hoàn toàn tin tưởng cậy trông nơi Ngài. Có thể nói, cách Thiên Chúa tỏ mình ra tuyệt diệu nhất đó là Ngài tin tưởng vào những phương tiện loài người bất toàn và bất lực, nhưng đồng thời Ngài vẫn có thể hoàn thành dự án thần linh bất diệt đầy yêu thương của Ngài nơi/qua những con người bất xứng ấy.
Điển hình nhất là trường hợp của Tông Đồ Phêrô ở Bài Phúc Âm hôm nay. Chính vì đã biết đích xác bản chất nhanh nhảu nhưng hơi đoảng và hăng hái nhưng nông cạn của vị tông đồ đầu đàn tông đồ đoàn này, vị tông đồ dầu sao cũng rất chân thành và rất gắn bó với mình mà Chúa Giêsu đã nhất định tuyển chọn ngài và đổi tên cho ngài từ "Simon" (biểu hiệu cho con người tự nhiên bẩm sinh của ngài) thành "Phêrô" (nghĩa là "Đá", tiêu biểu cho đức tin vững chắc và bất khuất của ngài, cương quyết theo Thày là Đá Góc Tường của ngài cho đến cùng), tới độ vận mạng thiêng liêng của toàn thể tòa nhà Giáo Hội của Người được xây trên nền "Đá" là bản thân ngài, và tới độ quyền lực chết chóc của hỏa ngục cũng không thể nào làm rung chuyển được tính chất vững chắc kiên cố của nó:
"Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được".
Chính bản thân của vị tông đồ, cho dù đã được chọn là nền đá của Giáo Hội như thế chăng nữa cũng đã chối Thày 3 lần, nên ngài lại càng biết mình hơn và tin vào Lòng Thương Xót Chúa hơn, ngài có làm được gì thì hoàn toàn bởi Thày và nhờ Thày: "Chúng con còn biết theo ai? Thày mới có lời vban sự sống đời đời" (Gioan 6;68), đúng như lời Thày đã khẳng định trong câu xướng trước Phúc Âm hôm nay: "Alleluia, alleluia! - Chúa phán: 'Thầy là đường, là sự thật và là sự sống: không ai đến được với Cha mà không qua Thầy'. - Alleluia".
Với tất cả ý thức bản thân và cảm nghiệm thần linh ấy trong vai trò và thân phận làm "Đá" nền của mình, Tông Đồ Phêrô mới có thể thực sự âm vang câu xướng 1 và 2 trong Bài Đáp Ca hôm nay:
1) Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin; trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa; con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài.
2) Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con, Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh.